Hậu quả của không tuân thủ dùng thuốc
Sự tuân thủ điều trị giúp đem lại nhiều lợi ích hơn bất kỳ phương pháp điều trị nào. Bởi vì dù có nhiều loại thuốc công nghệ cao, các nhà khoa học đã phải tiêu tốn hàng tỷ bảng Anh để nghiên cứu và phát triển, nhưng nếu bệnh nhân không dùng đúng cách cũng không mang lại hiệu quả điều trị.
Theo thống kê của Cơ quan y tế quốc gia Anh (NHS), mỗi năm chỉ riêng tại nước này, ước tính khoảng 300 triệu bảng Anh bị lãng phí do không tuân thủ điều trị. Con số này chưa tính đến khoản tiền chi phí khám lại nhiều lần, các xét nghiệm bổ sung và các chi phí y tế khác phát sinh... Bên cạnh đó, khi thăm khám cho các bệnh nhân này, bác sĩ vẫn tin tưởng vào sự tuân thủ của bệnh nhân nên sẽ có xu hướng tăng liều hoặc bổ sung thuốc khi thấy điều trị không đạt được hiệu quả như mong muốn. Điều này khiến chi phí cho thuốc tăng lên, thêm gánh nặng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe; mà bệnh nhân cũng không nhận được đầy đủ lợi ích từ điều trị của họ, giảm chất lượng cuộc sống, trầm trọng thêm tình trạng bệnh và tăng nguy cơ tử vong.
Vì sao bệnh nhân không tuân thủ điều trị?
Có nhiều lý do khác nhau khiến bệnh nhân không uống đủ thuốc trong điều trị. Một lý do phổ biến nhất chỉ đơn giản là bệnh nhân bị “quên”, sau đó là số người bỏ thuốc vì gặp phải những tác dụng phụ khó chịu. Cũng không ít bệnh nhân sau khi dùng thuốc một thời gian thì tin rằng sức khỏe của họ đã khá lên và không cần thiết phải dùng thuốc. Cảm giác không cần thiết phải dùng thuốc là một vấn đề đặc biệt đối với những bệnh nhân có một số loại bệnh mạn tính nhất định, thường gặp ở bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, động kinh... Bệnh nhân đôi khi sẽ tự giảm liều hoặc ngừng dùng trong một thời gian cho đến khi các triệu chứng trở lại thì mới dùng thuốc...
Ứng dụng kỹ thuật số cải thiện tuân thủ thuốc ở người bệnh.
Việc không muốn sử dụng thuốc hàng ngày của những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính là thách thức thực sự dành cho tất cả các chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
Các biện pháp can thiệp
Cho đến nay, đã có nhiều nghiên cứu nhằm cải thiện sự tuân thủ của bệnh nhân như: các công trình đánh giá sử dụng thuốc; nhắn tin cho bệnh nhân để nhắc uống thuốc; cung cấp một sự trợ giúp tuân thủ từ y tá, dược sĩ... nhưng tất cả vẫn không được cải thiện. Và suốt 50 năm qua, chưa có biện pháp nào tỏ ra hiệu quả đối với việc tuân thủ dùng thuốc của bệnh nhân.
Gần đây, các nhà nghiên cứu cho rằng, cần can thiệp toàn diện bằng cách thay đổi tâm lý và hành vi của bệnh nhân, hướng tới việc dùng thuốc điều trị là một nhu cầu tất yếu của họ. Do đó, việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số cho chăm sóc sức khỏe, đặc biệt cho sự tuân thủ đang được các nhà khoa học nghiên cứu, phát triển và dự kiến sẽ được đầu tư mạnh hơn trong những năm tới. Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS)đang thử nghiệm một thư viện ứng dụng kỹ thuật số để giúp các bệnh nhân chọn được những “người bạn tự động” an toàn và giúp ích cho việc tuân thủ thuốc của họ. Các ứng dụng kỹ thuật này giúp bệnh nhân tự theo dõi các triệu chứng, nhắc nhở và hướng dẫn cách dùng thuốc... Ví dụ như ứng dụng “myCOPD” cho phép những bệnh nhân có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) tự theo dõi các triệu chứng, theo dõi việc sử dụng thuốc và hướng dẫn đúng kỹ thuật hít...
Với nhiều lý do khiến bệnh nhân không tuân thủ điều trị như trên, các nhà nghiên cứu tin rằng có thể sử dụng công nghệ để giúp bệnh nhân chủ động chăm sóc sức khỏe của họ, đồng thời các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cũng có thể khai thác công nghệ để cải thiện tuân thủ trong điều trị. Như vậy, một vai trò hoàn toàn mới có thể được tạo ra cho chuyên gia y tế hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe thiên về hướng dẫn và tạo điều kiện chứ không phải mối quan hệ đối tác truyền thống giữa họ và bệnh nhân.
DS. Nguyễn Hải Đăng
((Theo Pharmaceutical-journal))
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét