Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo sa sút trí tuệ Quốc gia lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội, theo đó, tại hội thảo, GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, sa sút trí tuệ (SSTT) nói chung và bệnh Alzheimer nói riêng hiện nay là mối quan tâm hàng đầu của những chuyên gia lão khoa bởi khi tuổi thọ trung bình ngày càng cao, số người mắc bệnh này ngày càng nhiều. GS.Phạm Thắng cũng cảnh báo, bệnh sa sút trí tuệ gây thoái hóa thần kinh với chi phí tốn kém trong chăm sóc. Hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa có các chương trình và dịch vụ liên quan đến SSTT, vì vậy, sự ra đời của hội lão khoa Việt Nam và hội thảo SSTT Quốc gia lần thứ nhất sẽ nghiên cứu, thảo luận sâu về các vấn đề này nhằm đưa SSTT trở thành vấn đề ưu tiên toàn cầu, giảm kỳ thị, đào tạo mạng lưới chăm sóc sức khỏe, nghiên cứu SSTT như một bệnh mạn tính…
Sa sút trí tuệ có thể khởi phát ở tuổi trẻ song chủ yếu là ở tuổi già. Một số nghiên cứu cho thấy ở lứa tuổi 65 tỷ lệ SSTT là 5%. Như vậy, có khoảng 500.000 người trên 60 tuổi. Cứ tăng thêm 5 tuổi thì số lượng người SSTT tăng lên 2 lần, đến 80 tuổi thì một phần ba số người già mắc hội chứng này. Bệnh này gây ra chứng suy giảm trí nhớ, kèm theo đó là rối loạn về hành vi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Tỷ lệ sa sút trí tuệ chiếm 4,8-5% ở người trên 60 tuổi
Biểu hiện của chứng SSTT có nhiều giai đoạn, từ nhẹ đến nặng như: Giảm trí nhớ hay trí nhớ ngắn hạn; thay đổi tính tình, rối loạn cảm xúc, hành vi, nhân cách; giảm khả năng diễn đạt, ngôn ngữ thiếu lưu loát; vụng về trong công việc hằng ngày như vệ sinh cá nhân, ăn uống; mất dần khả năng thu nhận những thông tin mới ; không lưu giữ được các thông tin về môi trường xung quanh, do đó bị rối loạn, mất định hướng về không gian và thời gian; rối loạn hành vi; hoang tưởng, ảo giác... Khả năng hồi phục phụ thuộc bệnh lý và liệu pháp điều trị.
Theo GS Jean-Piere Michel, Giám đốc Liên đoàn Đào tạo lão khoa - Hội Lão khoa thế giới: “Cứ 3 giây, thế giới lại có thêm 1 người bị sa sút trí tuệ, mỗi năm có 7,7 triệu người mắc mới.”
Nhiều báo cáo chuyên ngành trong nước và quốc tế đã được trình bày và thảo luận tại hội thảo trong đó có các nội dung như xây dựng và phát triển kế hoạch quốc gia về kiểm soát SSTT, xác định các vấn đề ưu tiên trong dự phòng và điều trị SSTT; nguyên tắc chăm sóc người bị SSTT, sử dụng thuốc hiệu quả ở người SSTT… tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong cộng đồng.
Hiền Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét